Quân Pháp chiếm Vĩnh Yên. Tiền Hồ Chí Minh sụt giá vùn vụt. Vẫn số tiền cũ giờ đây chưa chắc mẹ tôi đã mua nổi bốn nồi thóc.
Quân Pháp theo sông đào tiến lên chiếm chợ Mẹ Dân chúng xao xác chuẩn bị chạy. Số tiền trong tay mẹ tôi hầu trở thành giấy lộn. Chúng tôi ăn một bữa quà bánh đúc, lúc giả tiền thấy vợi hẳn túi. Viễn ảnh những ngày đầu xuân có gạo nếp, có thịt gà, thịt lợn bị giập vùi trong khói súng và biến thành một điểm mong manh chết đuối giữa cảnh tàn phá rùng rợn của bom đạn tơi bời cha lạc con vợ lạc chồng, anh em tán loạn mỗi người một phương.
Dạo đó tuy đã có phong trào "rèn cán chỉnh cơ" nhưng chưa có cố vấn Tàu, chưa có chính sách "ba cùng", học tập đấu tố nên mặc dầu kinh tế nguy ngập ai nấy vẫn tin tưởng ở ngày mai huy hoàng của dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của già Hồ (như lời tuyên truyền phát thanh chiều chiều).
Sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách xơ xác. Trong khi gia đình tôi giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu thì xảy cuộc hỗn chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Kháng Chiến ở chân núi Tam Đảọ Để giữ vững ưu thế quân sự về mình tại mặt trận Vĩnh Yên. Tướng Pháp De L. quyết định hy sinh đoàn quân hắn, và hạ lệnh cho thả bom tận diệt đôi bên.
(Trong cái điên ba của một cuộc thế lọc lừa phản trắc, người ta dày xéo lên tình người, điềm nhiên hy sinh xương máu đồng bào đồng loại nơi này cho quyền lợi thực dân, nơi kia cho học thuyết giai cấp. Tôi không ghê tởm những bộ mặt lãnh tụ như chúng sao được?)
Từ chân núi Tam Đảo quân Pháp đánh tỏa ra ba mặt, đồng thời từ hữu ngạn sông Hồng, một toán Lê Dương vượt sang càn quét bến Rau ở tả ngạn. Dân chúng từ bốn mặt chạy về huyện Yên Lạc, đổ xô vào các làng. Mẹ tôi bèn thổi cơm hàng gánh đến bán cho họ.
Trong số rất đông các người ở làng Rau mang đồ đạc chạy đến làng Lũng Thượng, có gia đình ông Lý Cựu vốn là bà con với ông chủ nhà nơi tôi tản cư. Ông Lý nói chuyện với thầy tôi rất tương đắc nhất là khi ông biết tôi đương học trường luật thi ra thẩm phán.
Ông nói:
- Tôi có thằng cháu năm nay lên sáu; giời cho làm người, sau này kháng chiến thành công, tôi nhất định sẽ gởi cháu lên Hà Nội phiền ông bà và cậu Cả trông nom giúp cho thành thân người.
Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút lui về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn tết.
Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.
Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.
Mẹ tôi nói: "Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!"
Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bí tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc giây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp. Hai ngày sau, tới buổi sớm ba mươi tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh ngọt nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp mọi người mắt ai nấy sáng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều đã kẻ khẩu hiệu:
"Chuẩn bị tổng phản công".
Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.
Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau mang theo vài thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp tết. Ông Lý Cựu có xuống căn nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:
- Chiếc chiếu này của tôi.
Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.
Người nói:
- "Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi..."
Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.
Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn nách rồi thản nhiên nói:
- Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cặp điều từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.
Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi tre nghỉ tạm, lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.
Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:
- Chiếc chiếu này mẹ mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếc chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).
Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:
- Không, chiếc chiếu này của tôi.
Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra làm thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.
Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:
- Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!
"Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!" - mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui.
Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó - kể cả hy sinh một chút danh dự cho sự yếu đuối thường tình của con người - tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.
Sớm mùng một năm đó mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại ỵên bình, gia đình được qua thì đói khỏi thì loạn.
Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe nước mắt như muốn trào ra.
Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý "Vật chất quyết định hết thảy". Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy.
Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở đường Hai mươi về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao xẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành.
Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.
Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm cười, khi ứa nước mắt các bạn bè thân thường khen tôi có thái độ hồn nhiên của Trang Chu.
Các bạn yêu quý của tôi!
Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của biết bao cảnh cơ hàn mà tôi và những người thân của tôi đã trải qua, trong đó có chuyện Chiếc chiếu hoa cạp điều!